Văn phòng giao dịch
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
PHÒNG KINH DOANH
PHÒNG KỸ THUẬT
PHÒNG BẢO HÀNH SP
Thu gom rác, vì sao còn nhiều bất cập?
20/09/2017 09:32
Quét rác, thu gom rác, vận chuyển rác… đều phát sinh bất cập
Ông Huỳnh Minh Nhựt - GĐ Cty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TPHCM (viết tắt Cty MTĐT) - nói: “Bất cập là không quản lý được chất lượng thu gom rác. Hiện Cty MTĐT đang trúng thầu 2 quận Bình Tân và Tân Phú. Cty thực hiện đồng nhất phương tiện thu gom. Cty đã đề nghị lực lượng rác dân lập cải tiến công nghệ thu gom, nhưng họ không nghe, nên nảy sinh nhiều bất cập hơn…
Đơn cử, hợp tác giữa công lập và dân lập không khớp nhau. Công lập yêu cầu phải đem rác từ hộ dân ra điểm hẹn là 18 giờ. Song, với dân lập, thích thì họ đem ra đúng giờ, không thích, họ mang ra giờ khác, xe rác công lập chưa tới kịp để vận chuyển rác, nên rác đổ tràn trên đường.v.v…” . Riêng chuyện quét rác, ông Nhựt cũng than phiền: Trên một tuyến đường, Cty dịch vụ công ích quét; tuy nhiên, rác hộ dân thì lực lượng thu gom gồm cả chính quy lẫn dân lập. Do đó, tình trạng rác đổ bừa bãi trên đường, không ai chịu trách nhiệm. Thậm chí, lực lượng dân lập nhận tiền chủ nguồn thải, lén lút đổ bừa ra vùng ven, buộc lực lượng rác chính quy phải thu gom…
Về trạm trung chuyển rác, cũng bất cập không kém. Hiện nay, điểm hẹn và trạm trung chuyển rác trên các địa bàn đều trong tình trạng không có, hoặc khan hiếm. Thậm chí, ở một số quận - huyện, còn không cho Cty vận chuyển rác… đậu xe để gom rác (?). Đơn cử như tại quận Bình Thạnh, buộc phải dẹp bỏ trạm trung chuyển, nhưng sau đó phát sinh tới 40 điểm hẹn - đồng nghĩa, từ một điểm gây ô nhiễm, phát sinh thành 40 điểm ô nhiễm mới.
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt: “TP.HCM không thể không có trạm trung chuyển rác, do địa bàn TP quá rộng. Còn về chất lượng trạm trung chuyển, phải nói rằng, hiện chưa được TP đầu tư, mà do Cty MTĐT phải tự bỏ kinh phí đầu tư, vận hành”. Tuy nhiên, chi phí đầu tư như Cty MTĐT bỏ ra lại chưa được tính đúng tính đủ… Có ý kiến cho rằng, Cty MTĐT đã thực hiện xã hội hoá đầu tư, thì TP cần phải có chính sách tính đúng tính đủ cho đơn vị đầu tư. Như vậy mới không còn bất cập, mang lại công bằng, hợp lý cho đơn vị đầu tư.v.v…
Làm gì để xóa các bất cập trong thu gom rác?
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt: “Hơn bao giờ hết, cần phải đồng bộ quản lý lực lượng rác dân lập. Đây là cơ sở mấu chốt để nâng chất hoạt động thu gom rác trên địa bàn TP.HCM. Mặt khác, phải tính đúng, tính đủ chi phí thu gom - vận chuyển và xử lý rác. Riêng đối với đối tượng vãng lai, xả rác công cộng cần có những biện pháp quản lý khác như: tăng cường thu gom, quét dọn và xử phạt. Còn muốn các trạm trung chuyển rác đạt chất lượng, thì phải thực hiện xã hội hoá đầu tư và TP phải tính đúng, tính đủ chi phí vận hành cho nhà đầu tư. Hoặc thành phố đầu tư và giao cho đơn vị tham gia đấu thầu vận hành”.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM cho rằng: “TP.HCM có tới 14 triệu dân. Tới đây, TP sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. TP sẽ xác định lại và phân cấp cho các quận - huyện trong công tác thu gom rác. Quận - huyện được toàn quyền thực hiện đấu thầu thu gom, quét dọn rác…”.
Ông Thắng cho biết: Sở TNMT đã tiếp thu và báo cáo UBND TP về tình hình thu gom rác. Trong đó, lực lượng công lập quản lý 40% và rác dân lập là 60%. “Phải quản lý cho được lực lượng rác dân lập. Đây là gốc vấn đề. Hướng dẫn họ thực hiện đúng, trang thiết bị, quy cách thực hiện đúng quy định”. Về các điểm hẹn và trạm trung chuyển rác, ông Thắng cho biết: TP đã phân cấp các quận - huyện vận hành trạm trung chuyển. Các trạm giữ lại trên địa bàn phải phù hợp cự ly, nơi tiếp nhận và môi trường. Sở TNMT yêu cầu các quận - huyện giữ cho được các trạm trung chuyển, kết hợp điều chỉnh quy hoạch phù hợp, lập đề án, đề xuất TP đầu tư. Có như vậy mới có cơ sở kêu gọi đầu tư và tính đúng, tính đủ chi phí cho đơn vị đầu tư.
Đề cập tới việc đấu thầu thu gom rác, đại diện Cty MTĐT cho rằng: “Đó là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải thì tiêu chí cho các đơn vị đấu thầu phải xem xét cẩn trọng và minh bạch. Theo đó, các đơn vị tham gia đầu thầu phải là những đơn vị có năng lực trong hoạt động thu gom, vận chuyển. Năng lực dựa trên cơ sở cả trang thiết bị vật chất và nhân lực thực hiện. Một yếu tố quan trọng khác là đơn vị tham gia đấu thầu phải có kinh nghiệm thực hiện thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, một yếu tố cần xem xét như là năng lực cộng thêm cho đơn vị tham gia đấu thầu là có khả năng hướng dẫn người dân tại khu vực đơn vị phụ trách thực hiện phân loại rác tại nguồn và đơn vị thu gom theo quy cách rác đã được người dân phân loại”.
Trong khi đó, theo GS Nguyễn Văn Phước - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi (Trường ĐH Quốc gia TP.HCM): “Phải đặt chỉ tiêu 100% chất thải rắn phải thu gom. Chỉ tiêu này đã được đặt ra từ trước, nhưng cho đến nay chưa thực hiện được. Việc thu gom rác phải được giao cho tổ tự quản môi trường kết hợp với người thu gom rác để đảm bảo lượng rác phải được thu gom 100%. Việc thu phí tại các hộ dân phải được thực hiện đầy đủ. Công tác thu gom phải được thực hiện phân loại và ngay tại nhà máy tái chế cũng phải được phân loại. Việc phân loại cũng không nên kỳ vọng 100%. Đạt 70% là đã tốt”. Hiện nếu tính toán thì trung bình mỗi công nhân vệ sinh thu gom 1 tấn rác/ngày. Bản thân lực lượng lao động này đã thực hiện phân loại nhưng họ chỉ mới phân loại những rác bán được. Do đó, có thể tận dụng lực lượng lao động này thực hiện phân loại rác tại nguồn nếu có thêm những chính sách đầu tư, hỗ trợ tài chính, y tế cho lực lượng này.
Ngoài ra, có kiến nghị UBND TP cần phải tăng cường đầu tư và cải tiến phương tiện thu gom, vận chuyển rác cho phù hợp với thực tế của từng địa bàn. Hiện toàn TP.HCM có tổng cộng 750 xe vận chuyển rác, loại 10 tấn. Trong đó, các Cty dịch vụ công ích và Cty MTĐT đã chiếm 700 xe. TP cần tăng cường loại xe nhỏ để thu gom rác cho phù hợp với đặc thù đường phố đông người… Dự kiến TP.HCM phải tăng khoảng 2.000 xe, mới đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển rác...